Làm mới thương hiệu. Rất dễ để thấy rằng, bất cứ chiến dịch Rebrand của thương hiệu lớn nào cũng thu hút nhiều sự chú ý và mở ra những cuộc tranh luận trong cộng đồng người tiêu dùng. Tái cấu trúc thương hiệu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đánh đổi những giá trị đã được định hình trong và ghi đậm dấu ấn trong lòng khách hàng, trở thành một hình ảnh hoàn toàn khác lạ và mới mẻ.
Chỉ trong vài tuần đầu năm 2021, công chúng đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước “thay áo mới”, nổi bật như Viettel, Burger King, KIA…
Viettel tái định vị với bộ nhận diện hoàn toàn mới.
Tái cấu trúc thương hiệu (Rebrand) là một chiến lược karketing nhằm tái tạo bản sắc mới cho doanh nghiệp, bao gồm các hoạt động như đổi tên, logo, thông điệp, màu sắc hay các thiết kế vật phẩm… Chiến lược này giúp thay đổi nhận thức, xác định lại vị trí thương hiệu trong mắt người tiêu dùng và trên thị trường.
Do vậy, Rebrand sẽ là sự lựa chọn phù hợp nhất cho những doanh nghiệp muốn thay đổi chiến lược kinh doanh để tiếp cận tập khách hàng mới, hay sứ mệnh và giá trị thương hiệu đem lại cho cộng đồng đã khác trước. Hoặc dễ thấy hơn là khi bộ “áo thương hiệu” của doanh nghiệp không còn hợp thời và cần nâng cấp…
Sự cải tiến mới mẻ mà tái cấu trúc thương hiệu mang lại sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp luôn xuất hiện ở “top đầu” trong tâm trí người tiêu dùng. Đây là chiến lược tất yếu đối với nhiều thương hiệu. Bởi vậy mà ngay cả với thương hiệu đã tồn tại trong một thời gian dài và dành được sự yêu mến, tin tưởng của khách hàng thì làm mới mình vẫn hoạt động cần thiết.
Trước khi thực hiện Rebrand, doanh nghiệp cần nắm rõ rằng tái cấu trúc thương hiệu sẽ không làm thay đổi bản chất thương hiệu; nghiên cứu kỹ tập khách hàng hiện có và thị trường mục tiêu để đảm bảo sự thay đổi này là phù hợp và cuối cùng là phương thức truyền thông về câu chuyện đằng sau sự thay đổi này của doanh nghiệp.
Dưới đây là hai tên tuổi Rebrand nhận được phản hồi tích cực đầu năm 2021:
Burger King thay đổi bộ nhận diện bằng cách cải tiến logo
Lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ, Burger King có sự thay đổi lớn về bộ nhận diện thương hiệu. Nhãn hàng đã quay trở lại với Logo cũ theo phong cách tối giản và đậm chất cổ điển.
Đối với logo lần này, đại diện nhãn nói rằng: “Không có thực phẩm nào màu xanh lam và những chiếc bánh cũng không sáng bóng, vậy nên logo hiện tại cần phải thay đổi”. Thương hiệu quay trở lại với logo đã được sử dụng trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1998, và cải tiến tỷ lệ và phông chữ để thiết kế phù hợp với thị hiếu hiện tại hơn.
Bộ nhận diện thương hiệu thay đổi từ bao bì sản phẩm, đồng phục nhân viên cũng như thiết kế trong các nhà hàng. Cạnh đó, màu sắc được đổi thành bộ màu nâu – cam – đỏ – xanh lá – vàng, đây là những màu được lấy cảm hứng từ món ăn đặc trưng của Burger King “Whopper”.
Với sự thay đổi lần này, Burger King muốn truyền tải đến người tiêu dùng rằng thay vì đồ ăn “nhanh”, họ sẽ tập trung hơn vào chất lượng sản phẩm trong những năm tới. Một sản phẩm “thật” hơn, sử dụng những nguyên liệu tươi, tốt cho sức khỏe, không chất phụ gia, đem lại cho khách hàng tin tưởng như những gì logo mới thể hiện.
Viettel tái định vị với bộ nhận diện hoàn toàn mới
Ngày 7/1/2021, Viettel đã chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu mới, bao gồm logo, slogan và màu sắc. Cụ thể, bộ màu xanh – vàng – trắng được thương hiệu sử dụng trong suốt 16 năm qua đã được thay đổi hoàn toàn thành màu đỏ – thể hiện sức trẻ, đam mê, đây cũng là biểu trưng cho màu cờ tổ quốc, của niềm tự hào dân tộc.
Slogan của Viettel cũng được giản lược thành “Theo cách của bạn”. Về sự thay đổi này, ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc Viettel ví von rằng: “Trước đây khách hàng muốn Viettel phục vụ gì thì cần nói ra, nhưng bây giờ khách hàng không cần nói nữa, mà Viettel hiểu ý và phục vụ tức thời nhờ công nghệ 4.0, tự động hóa, AI, Big Data…”
Lý do của lần Rebrand này của Viettel là sự thay đổi lớn trong chiến lược phát triển, khẳng định Viettel không còn là một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đơn thuần, mà sẽ là doanh nghiệp với sứ mệnh “Tiên phong kiến tạo xã hội số”.
Thay đổi mang lại cơ hội nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro
Đại diện Adsota – một agency quảng cáo sáng tạo ở Hà Nội cho biết: “Làm mới thương hiệu cần nhiều sự chuẩn bị và xem xét thấu đáo của doanh nghiệp. Bởi nó không chỉ là thay đổi logo mà đi kèm với đó là những giá trị cốt lõi như tầm nhìn, sứ mệnh, khách hàng, dịch vụ. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải thực hiện truyền thông hiệu quả mới có thể “sửa” được hình ảnh của mình trong tâm trí khách hàng và đạt được lợi ích từ đó”.
Rất dễ để thấy rằng, bất cứ chiến dịch Rebrand của thương hiệu lớn nào cũng thu hút nhiều sự chú ý và mở ra những cuộc tranh luận trong cộng đồng người tiêu dùng. Tái cấu trúc thương hiệu đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đánh đổi những giá trị đã được định hình trong và ghi đậm dấu ấn trong lòng khách hàng, trở thành một hình ảnh hoàn toàn khác lạ và mới mẻ.
Vậy nên một số rủi ro mà doanh nghiệp dễ gặp phải nếu không có một chiến lược Rebrand phù hợp như đánh mất tập khách hàng trung thành hiện tại; thiết kế hình ảnh mới không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; thiếu kế hoạch ra mắt Rebrand hoàn chỉnh khiến người tiêu dùng không hiểu được ý nghĩa việc doanh nghiệp thay đổi.
nguồn: Copyright © 2016-2017 Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.