Hơn chục năm trước, có những giai đoạn mà ở VN, mua tivi xịn, người ta nhất định chọn National, JVC…; mua xe đạp xịn, phải là Mipha, Eska… Câu trả lời đơn giản vì đó là hàng nhập ngoại, nhãn hiệu quen thuộc, xịn và đặc biệt là rất bền! Rõ ràng, nhìn ở góc độ nào đó, người tiêu dùng lại là những người có sự quan tâm trước tiên đến thương hiệu.
Không dễ so sánh với các Cty lớn hay tập đoàn xuyên quốc gia, khu vực mà thương hiệu được định giá gấp nhiều lần cơ sở vật chất của DN, các DN VN cũng đang nước rút để bảo vệ sân nhà. Và Giải pháp cho thị trường tất yếu trở thành vấn đề then chốt, quyết định sự sống còn của DN.
Khái niệm giải pháp thị trường đã hoàn toàn không xa lạ với thế giới từ vài chục năm trước đây. Ở VN, chuyên ngành này do một số chuyên gia và những người du học nước ngoài đem về. Hiện chuyên ngành mới được chính thức xây dựng tại một số trường đại học kinh tế. Hiểu khái quát nhất, giải pháp thị trường là tổng hợp các yếu tố không thể thiếu mà một DN có dịch vụ, sản phẩm mang tính thương mại cần tuân thủ để giành thắng lợi trên thị trường.
Thực tế giải pháp thị trường rất đa dạng và riêng biệt đối với từng chủng loại sản phẩm, từng DN cụ thể. Với DN này có thể là điều chỉnh nồng độ sản phẩm, với DN khác lại là việc thay đổi hình ảnh, có DN lại là điều chỉnh tính chất sản phẩm cho phù hợp với tâm lý người tiêu dùng hay củng cố kênh phân phối sản phẩm… Song một trong những nghiệp vụ hàng đầu của giải pháp thị trường là làm cho thương hiệu bám rễ trong nhận thức của người tiêu dùng với những đặc tính ưu việt, những liên tưởng và suy nghĩ tốt đẹp nhất.
Những thương hiệu được ưa chuộng chính là những thương hiệu mạnh. Nhưng một thương hiệu có thể mạnh ở khu vực này, nhưng không mạnh ở thị trường khác. Ví dụ: Heineken là thương hiệu mạnh ở VN, nhưng lại không mạnh ở ngay chính quê hương Châu á của mình là Singapore, hoặc tại thị trường khổng lồ Trung Quốc. Nguyên do là ở VN, họ đã có giải pháp đúng cho thị trường của mình. Còn ở những thị trường kia, giải pháp thị trường của họ đã thua kém các đối thủ cạnh tranh.
Trên thực tế, đã có nhiều DN quan tâm và tìm đến nhà tư vấn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Song, thường yêu cầu tư vấn của các DN cũng chỉ tập trung vào một khía cạnh nào đó trong hoạt động của DN. Nói một cách dễ hiểu là “đau đâu, chữa đó”. Một quan niệm “lưu truyền” trong giới những người làm nghề tư vấn là: Chỉ khi “ngã bệnh”, DN mới tìm đến tư vấn, họ chưa có thói quen sử dựng tư vấn để “phòng bệnh”. Cho dù thực tế dễ thấy là các DN sớm áp dụng giải pháp thị trường ở VN hiện nay đều là những DN tên tuổi.
Tổng Cty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội – là một trong những DN đi đầu trong sử dụng nghiệp vụ giải pháp thị trường. Bối cảnh những năm cuối của thế kỷ 20, khi thị trường đồ uống trong nước bắt đầu chuyển mình với sự có mặt của nhiều hãng bia nổi tiếng thế giới như Heineken, Casberg… Nhưng chính trong bối cảnh tưởng chừng rất khó khăn đó, những người lãnh đạo Bia Hà Nội lại tìm đến một đối tác làm giải pháp thị trường ngay trong nước. Sau hơn một năm chuẩn bị, chương trình thị trường do nhà giải pháp đưa ra được Bia Hà Nội triển khai một cách đồng bộ và có hệ thống. Từ việc thay đổi nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm, hệ thống phân phối cũng như nâng hình ảnh thương hiệu và sản phẩm trong nhận thức người tiêu dùng.
Thông điệp được lựa chọn “… Một nét văn hoá Hà Nội” đã góp phần đánh thức tâm lý tiêu dùng thị trường bia, rượu, nước giải khát. Người ta nghĩ tới Bia Hà Nội như một sản phẩm đẳng cấp và chất lượng, thừa nhận Bia Hà Nội là một nét văn hoá ẩm thực tinh tế của người Hà Thành, trở thành một thói quen, một nhu cầu tiêu dùng gần gũi. Sản lượng Bia Hà Nội không ngừng tăng lên nhưng cung vẫn không đủ cầu, Bia Hà Nội vẫn luôn được “khát” trên thị trường. Việc áp dụng giải pháp thị trường đồng bộ đã giúp bia Hà Nội trở thành một thương hiệu mang tầm quốc gia, một trong những thương hiệu Việt được ưa chuộng nhất.Theo DDDN)