Đề xuất này rất phù hợp với kêu gọi mới đây của IMF về nỗ lực hợp tác tái thể chế giữa các ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính, trong một đề xuất nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý với vai trò trung tâm của việc gỡ nòi nổ quả bom tài chính hiện tại. TS. Bernanke* mới đây cũng đã đưa ra lời cảnh báo mới về bước chuẩn bị cần thiết cho… quả bom kế tiếp!
Có rất nhiều đề tài được các ngân hàng trung ương và các nhà lãnh đạo thế giới bàn tới, nhưng tâm điểm quan trọng nhất vẫn là làm sao để củng cố/tái thiết các nền tảng kinh tế đã bị suy yếu. Và như vậy, có thể nghĩ tới vấn đề cội rễ sâu xa của niềm tin bị xói mòn trong công chúng đầu tư. Chính điều này gây ra đa phần các hỗn loạn kinh tế hiện nay.
Liệu lãnh đạo các ngân hàng trung ương có tìm lời giải khi cùng nhau ngồi quanh bàn tròn và thảo luận về những vấn đề giờ đã lan rộng tới mọi ngóc ngách của địa cầu? Không ai dám quả quyết. Đó là việc của các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phương Tây, nơi mà người ta tin tưởng vào nền tảng kinh tế vững vàng có thể điều khiển các hoạt động thương mại và kinh tế để xây dựng lại sự tự tin của chính các quốc gia này vào hệ thống của mình.
Nhìn vào khoản chi tiêu của các chính phủ, hàng trăm tỷ USD tiền đóng góp của những người nộp thuế đã được dẫn dắt tới các hoạt động thương mại thuộc sở hữu tư nhân. Rất khó mà nói rằng như thế là công bằng, nhất là khi các chính phủ cho dù không có nhiều sự lựa chọn, đã đưa ra các gói cứu trợ vô tiền khoáng hậu với qui mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Vai trò của chính phủ có lẽ đã được đề cao quá mức với hy vọng rằng những khoản vung tay này sẽ giúp phục hồi niềm tin từ công chúng. Phương trình hạn chế ngân sách chính phủ nổi tiếng tiết lộ mọi bí mật. Kế hoạch của ngày hôm nay gây tổn hại nặng nề tính ổn định của năng lực tiêu dùng quốc giá trong tương lại, mà có lẽ là rất gần.
Vấn đề với các ngân hàng trung ương châu Âu thậm chí còn trở nên phức tạp hơn bởi các ngân hàng này có cùng phương thức tiếp cận những vấn đề kinh tế đang lan rộng toàn cầu. Phối hợp cùng IMF? Viện tới đồng thuận của các nhà lãnh đạo G20 trong kỳ họp thượng đỉnh sắp tới? Huy động thêm nguồn tiền từ Trung Quốc và thế giới Ả-rập? Tôi tin tưởng tất cả những động thái này đều quá ít và quá muộn, đặc biệt khi các vấn đề, vốn dĩ đã hiển hiện nhiều tháng qua, lại có khởi nguồn từ phương trình căn bản về niềm tin trong mọi xã hội. Nhiều ủy ban hơn, nhiều phiên họp hơn và thậm chí nhiều tiền của hơn đều vẫn chưa phải giải pháp tháo gỡ tình thế khủng hoảng hiện tại. Tuy nhiên, các tư duy đổi mới mạnh mẽ và tươi sáng hơn trong nỗ lực xây dựng các nền kinh tế lành mạnh – với qui tắc vàng của các điều luật cẩn trọng, có thể sẽ làm nên nhiều điều.
TS. Vương Quân Hoàng – Công ty Dan Houtte, Vuong & Partners
(Theo dddn)